Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

'Chủ nghĩa gây sự' của Mourinho


Tâm lý học đang ngày càng trở thành một khía cạnh được áp dụng và nghiên cứu nhiều hơn trong bóng đá. Có những người luôn áp dụng “tâm lý chiến” và đạt hiệu quả gần như tối đa. Chúng ta đang nói tới Jose Mourinho, gã đàn ông bạo mồm hơn hết thảy trong thế giới bóng đá.

1. Tháng 11/2012, phóng viên Juan Calderon của tờ Marca giật tít: “Mourinho chống lại cả thế giới”. Giữa hàng ngàn những áp lực cho thành tích chuyên môn yếu kém trong năm cuối cùng dẫn dắt Real Madrid, ông nhận thêm một “lời khen”: “Luôn có một cái gì đó cho tất cả mọi người. Mourinho cần đóng catalogue những nhân vật đã được ông sỉ vả và đổ tội. Trọng tài, báo chí, lịch thi đấu, các bác sĩ, sân Bernabeu, Barca, UEFA, học viện trẻ, đối thủ, Toril, Valdano...”.
Mourinho, Chelsea, Premier League
Mourinho luôn gây chiến với giới truyền thông để tạo ra cảm giác rằng ông  đang bị cả thế giới chống lại
Đó chỉ là một cách để tờ báo này thêm dầu vào lửa khi Real đang sa sút trên sân cỏ. Thực chất, màn kèn cựa của Marca và Mourinho đã nổ ra ít lâu trước đó, khi tờ báo thân Real bị nhà cầm quân người Bồ Đào Nha chỉ trích vì soi mói các cầu thủ của ông.
Trên thực tế, những gì Calderon viết trên tờ Marca là một điều mà... ai cũng thấy được. Dường như chính bản thân vị HLV người Bồ Đào Nha cũng muốn những cuộc chiến tranh ngôn từ giữa ông và giới truyền thông cũng như các đồng nghiệp nổ ra.
2. Một phương pháp tâm lý do Mourinho áp dụng đã được chuyên gia tâm lý học thể thao James Hamilton nghiên cứu và đặt tên là tinh thần “chúng ta chống lại thế giới”.
Cụ thể, Hamilton chỉ ra rằng trong các buổi trả lời họp báo, Mourinho luôn gây chiến với giới truyền thông để tạo ra cảm giác rằng ông và các học trò đang bị cả thế giới chống lại. Chuyên gia người Anh cũng phân tích rằng, mỗi thành viên trong tập thể mà Mourinho xây dựng đã được “lập trình” những tư tưởng này ngay từ đầu. Mourinho luôn giữ số lượng cầu thủ đội một chính xác ở con số 24. Điều này mang tới hai tác dụng: 1-Ông có thể quan tâm tới các học trò đều hơn, bởi đây là con số phù hợp với công việc; 2-Với việc có nhiều hơn 24 cầu thủ trong thời gian chuẩn bị trước mùa giải, ông đã tạo lập nên một tính cách chiến đấu để tự khẳng định bản thân cho từng cầu thủ.
24 con người này sẽ bước vào mùa giải với tâm lý mình là “người được chọn”. Mỗi cá nhân trong đó sẽ nhận những quan tâm chăm sóc rất “anh cả” từ Mourinho. Như Zlatan Ibrahimovic viết trong tự chuyện, cựu HLV trưởng của Inter làm anh cảm thấy như một “đại ca”.
Khi ấy, những chỉ trích của Mourinho nhắm vào chính các cầu thủ của mình sẽ trở thành những góp ý thẳng thắn thay vì nhiếc móc, rỉa rói. Didier Drogba, Wesley Sneijder, Ibrahimovic... đều “sẵn sàng chết vì ông” là bởi thế.
3. Dĩ nhiên, khi những lời chỉ trích của Mourinho nhắm vào đối thủ thì đó sẽ không bao giờ là những “góp ý” nữa. Ông dựng ra tới hàng trăm cuộc tâm lý chiến với đủ mọi đối tượng như Calderon và Marca đã chỉ ra.
Điều đáng sợ nhất là những người sa đà vào khẩu chiến với Mourinho đều thường xuyên chịu kết quả không tốt về mặt chuyên môn, hoặc bị “lợi dụng”.
Ngay chính trong mùa giải trước, khi Mourinho “khen đểu” rằng đội hình của Man United thiếu những ngôi sao, ông ngay lập tức bán được một Juan Mata mà Chelsea không cần tới với giá 37,1 triệu bảng – “đại lãi”. Ông đánh trúng tâm lý hoảng loạn của David Moyes và phó chủ tịch điều hành Ed Woodward bên phía đối thủ.
Rồi khi Người đặc biệt đặt cho Arsene Wenger biệt danh “chuyên gia thất bại”, ông lập tức nắm thế chủ động trên chiến trường tâm lý, trước khi đại thắng kình địch cùng thành phố với tỉ số đậm đà 6-0.
Còn hàng chục ví dụ khác có thể kể ra quanh “chủ nghĩa gây sự” của Mourinho. Và ông đang khơi mào rất nhiều cuộc “khẩu chiến”...
  • Theo Thể thao&Văn hóa

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Cầu thủ Đồng Nai cúi đầu, che mặt viết lời khai

 - Thấy sự xuất hiện của báo chí, 6 cầu thủ Đồng Nai đang bị điều tra bán độ đã cúi đầu, che mặt, không dám nhìn lên. Tất cả sẽ phải đối mặt với những ngày tháng tăm tối hơn trong tương lai, khi vụ bán độ chính thức bị phanh phui, sắp được khởi tố.

Đồng Nai, bán độ
Đồng Nai, bán độ
Đồng Nai, bán độ
Đồng Nai, bán độ
Đồng Nai, bán độ
Đồng Nai, bán độ
Đồng Nai, bán độ
S.N

Sơ Đồ Đá Sân 7

Bóng đá mini 7 người đòi hỏi sự kết dính các vị trí trên sân với nhau, công cùng công, thủ cùng thủ.Việc phân chia đội hình theo chiến thuật chỉ nhằm mục đích giúp từng người xác định rõ công việc mình phải làm. trong bóng đá 7 người, tấn công và phòng thủ là nhiệm vụ chung
Khi đá đội hình 7 người ta nên làm cách nào đó để chiếm lĩnh được khu trung tuyến và cung cấp bóng lên cho tiền đạo duy nhất và tiền đạo này phải có khả năng thi đấu độc lập tốt. tiền vệ có khả năng thu hồi bóng.giữ nhịp trận đấu,phân phối bóng cho tiền vệ.đan bóng cho tiền đạo làm tường rồi tranh thủ sút xa. tiền đạo còn phải kiêm nhiệm vụ đánh chặn từ xa. biết cách tì đè người, đễ nhận bóng và vỗ lại cho tiền vệ trung tâm hoặc chuyền sang 2 cánh.Khả năng không chiến cần phải tập cho tốt để nhận bóng từ 2 tiền vệ cánh tạt vào.Nhưng quan trọng vẫn là tì đè và chạy chỗ thu hút hậu vệ.


so do.png

(Đội hình 3-1-2) Được áp dụng khi cầu thủ tiền vệ trung tâm đá tốt cả vai trò hỗ trợ phòng ngự và phát động tấn công. Khi đó có 2 tiền đạo, 1 tiền đạo chạy hút hậu vệ đội bạn hoặc làm tường cho tiền đạo còn lại. Đội hình này có 1 yêu cầu căn bản là 2 hậu vệ cánh phải lên xuống liên tục (cần dai sức): Thòng phải cơ động và biết chỉ huy, gọi người vễ hỗ trợ nhưng ko nên kéo hậu vệ biên về quá sâu sẽ rất khó đá và làm hở sườn giữa tiền vệ trung tâm và hậu vệ cánh đó bị kéo về sâu.

(Đội hình 2-3-1) coi trọng trung tuyến và là tiền đề cho việc triển khai thế trận và áp đặt thế trận.

Ưu điểm của chiến thuật :
-Thứ nhất: Hàng tiền vệ có 3 người, trong đó cầu thủ trung tâm đá phòng ngự. 2 tiền vệ còn lại tấn công 2 cánh. 1 tiền đạo cắm. Với cách bố trí này: nhiệm vụ dốc cánh sẽ do 2 tiền vệ
đảm nhiệm, 2 hậu vệ cánh không mất sức dốc biên nhiều nên đảm bảo thể lực hơn rất nhiều. Với thể lực 2 hậu vệ cánh luôn sung mãn, được đánh chặn từ xa bởi tiền vệ phòng ngự nên phòng thủ tốt hơn việc giao hậu vệ dốc biên rồi đuối không về được.

- Thứ 2 : Hàng tiền vệ 3 người trong đó có 1 thủ lĩnh ở giữa, khiến việc phân phối bóng và giữ nhịp trận đấu tốt.Tiền vệ cánh, với vị trí xuất phát gần giữa sân nên tốc độ tấn công nhanh, 2 tiền vệ cánh: là những người có tốc độ cao, có sức bền tốt.Chủ yếu tập dốc bóng từ 2 cánh, khả năng chuyền bóng phải tốt, có 3 hướng chuyền chính:
+ phát bóng trực tiếp lên cánh cho trung phong kéo dãn hậu vệ ra cánh.
+ chuyền bóng xéo vào giữa cho tiền vệ trung tâm xử lý.
+ dẫn bóng xâm nhập và tạt vào chính diện cho trung phong xử lý, chuyền sệt hoặc chuyền bổng đánh đầu,... quãng đường để tiền vệ đi cũng ngắn hơn vì thế đỡ mệt hơn rất nhiều. Hơn nữa tiền vệ dốc cánh luôn có hậu vệ cánh bọc lót ở dưới nên yên tâm hơn khi lỡ may mất bóng. Không như hậu vệ cánh mà mất bóng thì nguy hiểm vô cùng. Rõ ràng là các cầu thủ đỡ mệt hơn với sơ đồ này (do hậu vệ và tiền vệ chỉ chạy nửa sân và bọc lót cho nhau), phòng thủ an toàn hơn và tấn công nhanh hơn.

- Thứ 3: Tấn công sẽ có 4 cầu thủ tham gia tấn công.Từ tiền vệ trung tâm có thể xẻ biên cho tiền vệ cánh rất dễ dàng do tiền vệ cánh luôn thường trực 2 bên. Hơn nữa do có tới 4 cầu thủ tham gia tấn công, phân công rõ ràng các cánh nên đội hình rất ổn định và phối hợp với nhau dễ dàng hơn. Sơ đồ này phân công rất rõ ai tấn công cánh trái, ai tấn công cánh phải, ai tấn công ở giữa.

Nhược điểm chính :
- Sơ đồ này đòi hỏi 1 nền tảng thể lực cực kỳ tốt của các cầu thủ, dù được bố trí đá theo vị trí, nhưng phải liên tục công thủ, đặc biệt là hàng tiền vệ.
- Cầu thủ tiền vệ trung tâm là linh hồn của đội, - Hậu vệ phải đeo bám tốt, tuyệt đối không để bị qua người, nếu không là chết chắc vì vị trí trung tâm khó mà theo kịp do chỉ có 1 người và phải công thủ liên tục.

(Đội hình 3-2-1). Coi trọng tính an toàn và là mô hình thiên về thủ nhưng vẫn đầy sự bủng nổ.
Được áp dụng khi cầu thủ tiền vệ trung tâm thu hồi bóng ko thật sự xuất sắc mà chỉ chuyên về phát động tấn công hoặc ngược lại trụ tốt nhưng phát động không tốt. Khi đó cần có thêm 1 cầu thủ nữa lùi về hỗ trợ, khi đó cầu thủ tiền đạo cần có khả năng xoay sở tốt hoặc làm tường tốt cho hàng tiền vệ băng lên.

Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014

VĂN HÓA TỪ CHỨC CỦA NGƯỜI ĐỨC

Vô địch World Cup 2014 dường như đã nằm trong kế hoạch của Lahm, và đội trưởng đội tuyển Đức xem đó là nước đi quan trọng giúp anh kết thúc sự nghiệp quốc tế trên đỉnh danh vọng.
anh-1-9386-1405880195.jpg
Từ trái sang: Philipp Lahm, Michael Ballack và HLV Joachim Low vào tháng 7/2010. Ảnh: Spiegel.

Ngay sau khi vô địch thế giới, Lahm gây bất ngờ cho người hâm mộ khi quyết định từ giã sự nghiệp tại đội tuyển quốc gia. Năm nay 30 tuổi và đang ở đỉnh cao phong độ, nhiều người cho rằng Lahm nghỉ hưu là một sự lãng phí. Tuy nhiên, có thể Philipp  Lahm đã tính trước phương án này từ lâu. Với anh, chức vô địch World Cup chỉ là bước đệm để hoàn thành một kế hoạch dài hơi và khôn ngoan.

HLV Pep Guardiola từng mô tả Lahm là cầu thủ thông minh nhất mà ông từng huấn luyện.  Với Lahm, từ thông minh không chỉ dùng để định nghĩa cách anh chơi bóng. Nhìn tổng thể sự nghiệp của hậu vệ này từ khi anh đeo băng thủ quân đội tuyển Đức, người hâm mộ có thể thấy những bước đi khôn ngoan để đạt tới đỉnh vinh quang của anh.

Từ chiếc băng đội trưởng

Năm 2010, sau khi Michael Ballack dính chấn thương và không thể tham dự World Cup. Lahm được HLV Joachim Low chỉ định đeo chiếc băng đội trưởng. Ở tuổi 26, hậu vệ này trở thành đội trưởng trẻ nhất của Đức trong lịch sử World Cup. Sau giải đấu năm đó, Ballack bày tỏ nguyện vọng được trở lại vai trò của mình khi phục hồi thể lực. Tuy nhiên, Lahm bác bỏ khả năng trên: “Rõ ràng là tôi muốn giữ chiếc băng đội trưởng. Tôi cảm thấy vui với nhiệm vụ này, vậy thì tại sao tôi phải tự nguyện bỏ nó?”. Từ đó, người hâm mộ tuyển Đức không bao giờ được thấy Ballack và Lahm chung chiến tuyến nữa.

Với cương vị thủ lĩnh, Lahm một lần nữa đưa Đức tiến đến bán kết một giải đấu lớn tại Euro 2012. Dù thua 0-2 trước Italy nhưng với Lahm điều này không quan trọng. Vô địch châu Âu không phải là điều mà anh nhắm đến. Đôi khi sự hy sinh là cần thiết để đạt được mục đích và Lahm hiểu rõ điều đó.

anh-3-8602-1405880195.jpg
Lahm là người Đức đầu tiên sau 24 năm nâng cao cúp vàng thế giới. Ảnh: AFP.

Lahm tính trước việc vô địch World Cup

World Cup 2014 là mảnh ghép cuối cùng trong bản kế hoạch chi tiết mà Lahm đã vạch ra cho mình. Dù không dễ dàng nhưng cuối cùng anh đã trở thành người Đức đầu tiên nâng cao chiếc cúp vàng danh giá sau 24 năm. Giờ đây, không ai có thể ngăn Lahm hoàn thành mục đích vĩ đại của mình.

Trước 400.000 CĐV tại Berlin, Philipp Lahm dẫn binh đoàn của mình trở về trong chiến thắng. Tên anh được mọi người hô vang. Đó có thể là giấc mơ từ bé của của Lahm. Một cầu thủ luôn khiến mọi người liên tưởng tới sự thầm lặng và cần cù bên hàng lang cánh phải (hoặc cánh trái) của Đức. Nhưng nếu phân tích kỹ lại vô cùng đáng sợ với những tính toán của mình.

anh-2-1251-1405880195.jpg
Lahm kết thúc sự nghiệp với hình ảnh thủ lĩnh đưa đoàn quân trở về trong chiến thắng. Ảnh: Reuters.

Lahm không cần Euro 2016 vì đơn giản nó không nằm trong kế hoạch. Hai năm sau, dù anh có giúp Đức lên ngôi tại Pháp, suy cho cùng đó cũng không thể là một bước tiến trong sự nghiệp vì vô địch World Cup chính là đỉnh cao của tất cả các cầu thủ. Chưa kể, Lahm đủ khôn ngoan để khiến mình tránh vết xe đổ của Ballack, người đã bị chính anh cướp băng đội trưởng bốn năm về trước để rồi kết thúc sự nghiệp đội tuyển trong ê chề khi bị HLV ngoảnh mặt và những đồng đội trẻ hơn không tôn trọng.

Di Khánh

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

UEFA sửa luật thẻ vàng, tăng hấp dẫn cho chung kết châu Âu

Những trường hợp vắng mặt ở chung kết Champions League như Xabi Alonso mùa trước sẽ không còn tái diễn khi luật mới được áp dụng. 
 
Real-Madrid-v-Bayern-Munich-Xa-5794-6654
Alonso không thể đá chung kết với Atletico vì nhận đủ hạn mức thẻ vàng ở bán kết lượt về. Ảnh: AFP.
Kể từ mùa giải 2014-2015, luật tính hạn mức thẻ vàng tại đấu trường Champions League và Europa League sẽ được UEFA điều chỉnh. Theo đó, những cầu thủ bị thẻ vàng từ vòng bảng sẽ được xóa thẻ khi vòng tứ kết khép lại. Các cầu thủ nếu tránh thẻ đỏ, sẽ không bị lỡ trận chung kết như nhiều trường hợp khác trong quá khứ. Trận chung kết của Cup châu Âu vì thế sẽ trở nên hấp dẫn hơn khi các ngôi sao đều có mặt.
Trường hợp gần nhất là tiền vệ Xabi Alonso tại Champions League mùa trước. Trận bán kết lượt về giữa Real Madrid và Bayern Munich, tiền vệ người Tây Ban Nha nhận thẻ vàng, chiếc thứ ba kể từ vòng bảng. Theo luật cũ, Alonso nhận đủ hạn mức thẻ phạt và không được quyền dự chung kết với Atletico.
Năm 1999 khi Man Utd vào chơi chung kết Champions League, hai trụ cột của "Quỷ đỏ" là Roy Keane và Paul Scholes cũng chịu số phận tương tự Alonso. Năm 2012, Branislas Ivanovic, Ramires của Chelsea và David Alaba, Luis Gustavo của Bayern không được đá chung kết vì nhận đủ hạn mức thẻ phạt từ bán kết.
Hữu Nhơn

Thứ Sáu, 18 tháng 7, 2014

Philipp Lahm - đứng trên vai những người khổng lồ

Có vẻ ngoài nhỏ nhắn nhưng hậu vệ vừa từ giã đội tuyển Đức lại sở hữu bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ và sự nghiệp mà mọi cầu thủ đều phải ao ước.
Người khổng lồ trong vóc dáng bé nhỏ
Chàng hậu vệ sinh năm 1983 có ngoại hình tương đối nhỏ nhắn so với các đồng nghiệp, với chiều cao chỉ 1m70. Nhưng ẩn bên trong là một tài năng khổng lồ, vốn được bộc phát ngay từ khi Lahm còn là một cầu thủ nhí. Ở tuổi 11, anh gia nhập đội trẻ của Bayern Munich với thần tượng là tiền vệ công Mehmet Scholl. Ngay từ lứa tuổi đó, Lahm đã tỏ ra xuất chúng hơn các bạn cùng trang lứa. Huấn luyện viên Hermann Gerland sớm nhận định đây là cầu thủ tài năng nhất ông từng chỉ giáo, trong khi ông thầy Hermann Hummels chỉ biết thốt lên: "Nếu Philipp Lahm mà còn không chơi được ở Bundesliga thì có lẽ chẳng ai làm được điều đó!"
Ban đầu, không phải ai cũng nhận ra điều đó. Khi Lahm lên 17 tuổi, anh đã giúp đội trẻ Bayern Munich hai lần vô địch giải trẻ. Nhưng với sự xuất hiện của các đàn anh như Willy Sagnol và Bixente Lizarazu ở hai cánh của đội một, Lahm vẫn chưa được trao cơ hội thể hiện và bị đem cho mượn. Một HLV giấu tên đã tới xem Lahm chơi bóng và sau đó tới gặp HLV Gerland để... bắt đền tiền xăng xe, khi ông này không hề ấn tượng với tài năng trẻ gốc Munich. Vài năm sau khi Lahm nổi tiếng, Gerland tình cờ gặp lại nhà cầm quân năm xưa đã từ chối Lahm và rút ví ra hỏi: "Này anh bạn, ngày trước anh từng muốn bao nhiêu tiền để bù cho chuyến đi ấy nhỉ?". Vào ngày 13/7 vừa qua, khi Philipp Lahm trở thành người đội trưởng đầu tiên của một nước Đức thống nhất giương cao chiếc cúp vàng World Cup, vị HLV từng từ chối anh có lẽ là một trong những người cảm thấy cay đắng nhất.
anh-1-9228-1405737225.jpg
Lahm giương cao chức vô địch World Cup 2014. Ảnh: AFP.
Sau hai mùa được cho Stuttgart mượn để lấy kinh nghiệm tại Bundesliga, Lahm đã tạo nên tiếng vang như một trong những hậu vệ cánh trái hay nhất giải Đức. Dưới thời của HLV Felix Magath, Lahm đã thường xuyên xuất hiện trong đội hình chính và lần đầu được hít thở bầu không khí Champion League. Việc được chơi đều đặn tại Stuttgart giúp Lahm lọt vào mắt xanh của HLV trưởng tuyển Đức thời bấy giờ là Rudi Voller. Ông trao cho anh cơ hội lần đầu khoác áo đội tuyển ngày 18/2/2004. Đó là chiến thắng 2-1 trước Croatia và ngay trong trận đấu ra mắt ấy, Lahm đã được tạp chí Kicker bầu là Cầu thủ hay nhất trận.
Mùa hè đó, Lahm nằm trong danh sách được chọn tới Bồ Đào Nha để tham gia Euro 2004. Dù đội tuyển Đức không thể vượt qua vòng bảng, cá nhân Lahm vẫn có một kỳ Euro thành công. Chàng hậu vệ cánh trái mang áo số 21 (sau này là 16) đã đá trọn cả ba trận đấu ở vòng bảng và được đánh giá như một điểm sáng hiếm hoi trong Die Mannschaft gây thất vọng năm đó. Rudi Voller ra đi ngay sau kỳ Euro thảm họa và được thay thế bởi Jurgen Klinsmann cùng trợ lý Joachim Low, mở ra một thời kỳ mới cho bóng đá Đức với Lahm là một trong những cá nhân nằm trong cuộc chuyển giao.
Tại World Cup 2006 được tổ chức trên đất Đức, Lahm khiến cả thế giới phải nhắc tới mình với cú cứa lòng tuyệt đẹp vào lưới Costa Rica ngay từ phút thứ sáu của trận khai mạc. Bàn thắng tuyệt vời đó giống như hình ảnh của tuyển Đức dưới thời Klinsmann và sau này là Low: tự tin, quyến đoán và đẹp mắt! Die Mannschaft thẳng tiến với lối chơi khoa học, cống hiến và chỉ chịu bị khuất phục ở những phút cuối hiệp phụ của trận bán kết bởi Italy - đội bóng sau đó vô địch. Lahm chơi đủ 690 phút và được bầu vào đội hình tiêu biểu của World Cup, thành tích mà anh tiếp tục có được trong hai lần tham gia giải đấu này sau đó vào các năm 2010 và 2014.
Tại tất cả giải đấu lớn sau đó mà Lahm tham dự gồm Euro 2008, World Cup 2010, Euro 2012 và World Cup 2014 thì Die Mannschaft đều có thành tích tối thiểu là lọt vào bán kết. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng ngự, Lahm còn đích thân lên tiếng khi các đồng đội bất lực trong việc tìm vào mành lưới đối phương. Đó là trận bán kết Euro 2008, khi anh ấn định tỷ số 3-2 ở phút cuối cùng với pha dứt điểm vào lưới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng giải đấu đó cũng là một kỷ niệm buồn, khi một pha ra vào không hiểu ý giữa Lahm và thủ thành Lehmann đã tạo cơ hội cho Fernando Torres ghi bàn thắng duy nhất trong trận chung kết, đưa Tây Ban Nha đến chức vô địch đầu tiên sau 44 năm.
lahm-5838-1405737225.jpg
Lahm bên người vợ xinh đẹp Claudia. Là cầu thủ danh tiếng nhưng anh tuyệt nhiên không có một bê bối nào.
Hai năm sau, Lahm tiếp quản băng thủ quân đội tuyển Đức, khi Michael Ballack bất ngờ gặp phải chấn thương, và đảm nhiệm chức vụ này kể từ đó cho tới lúc từ giã màu áo trắng. Dẫu vấp phải những chỉ trích từ các bậc đàn anh về việc không thể hiện tố chất thủ lĩnh như những Ballack, Stefan Effenberg từng có, Lahm vẫn kiên trì với phong cách điềm tĩnh vốn có. Anh từng chia sẻ: "Tại sao Effenberg được coi như thủ lĩnh, vì anh ấy luôn thể hiện quan điểm của mình ư? Hay do vẻ rắn rỏi của anh ấy trên sân? Tôi có quan niệm khác về khái niệm thủ lĩnh. Ngày nay chẳng còn ai có thể một mình dẫn dắt đội bóng mà đó là trách nhiệm được chia sẻ giữa các cầu thủ. Hãy nhìn Manchester United khi họ đăng quang Champion League năm 2008 xem, họ chẳng hề có một người như Roy Keane".
Và tại World Cup 2014, Lahm đã thể hiện bản lĩnh của mình trong tập thể được kết hợp hài hòa giữa lứa tài năng trẻ với các cựu binh già dặn kinh nghiệm. Sau cuộc cách mạng làm bóng đá trẻ từ năm 2002, Đức đã sản sinh ra nhiều cầu thủ trẻ tài năng như Kroos, Muller, Draxler hay Schurrle ... nhưng chỉ khi đứng bên cạnh những chiến binh kỳ cựu như Lahm, Schweinsteiger thì họ mới tạo nên một tập thể hoàn hảo. Chiến thắng trước Argentina ở trận chung kết cũng chính là lần cuối cùng Lahm khoác áo đội tuyển, để lại một di sản gồm 113 trận đấu và 5 bàn thắng.
Một cầu thủ giỏi, một nhân cách lớn
Trong hơn một thập kỷ kể từ ngày bước ra ánh sáng của sân khấu bóng đá chuyên nghiệp, Philipp Lahm luôn được xem như một trong những hậu vệ cánh tài năng nhất của thế hệ mình, sau lứa của những Maldini, Cafu. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng ngự, anh còn khiến hàng thủ đối phương phải khốn đốn với những pha bứt tốc và đưa bóng vào vòng cấm mỗi khi lên tấn công. Muốn biết anh nguy hiểm nhường nào, hãy thử xem lại màn thảm sát 7-1 của Đức trước Brazil ở trận bán kết vừa qua, khi những pha lên bóng ở cánh phải của tuyển Đức luôn đem lại cảm giác nguy hiểm còn bản thân Lahm trực tiếp có hai pha kiến tạo thành bàn cho đồng đội!
Nhưng điểm đáng nể phục nhất ở Lahm chính là tư duy chơi bóng cùng khả năng thích ứng với mọi tình huống. Khi tới đội trẻ Bayern lúc 11 tuổi, anh từng muốn chơi ở vị trí tiền vệ công như thần tượng Mehmet Scholl nhưng sau khi nhận ra mình phù hợp hơn khi chơi ở cánh, Lahm đã quyết định học hỏi từ Paolo Maldini. Trong ba kỳ World Cup mà Lahm tham gia, anh lần lượt chơi ở các vị trí hậu vệ trái, hậu vệ phải và tiền vệ phòng ngự (trước khi được Low đưa trở lại về cánh từ trận tứ kết gặp Pháp). Dù đá ở vị trí nào, Lahm cũng luôn là một trong những cầu thủ nổi bật nhất trên sân với lối đá kỹ thuật, thông minh và cần cù.
anh-4-4681-1405737225.jpg
Phòng ngự, kiến thiết và ghi bàn... Lahm có thể làm tất cả những nhiệm vụ đó một cách xuất sắc.
Tại Bayern Munich mùa giải qua, khi Pep Guardiola lên nắm quyền và mang phong cách tiki-taca tới "Hùm xám", Lahm đã được đẩy lên chơi ở tuyến giữa và không gây thất vọng. Anh chơi tốt ở vị trí này với đỉnh cao là trận đấu với Hertha Berlin tại Bundesliga, khi Lahm đã chuyền 133 lần và đạt tỷ lệ chính xác 100%. Sau trận đấu, báo chí Đức đã gọi anh là "Mr 100%" hay "cầu thủ hoàn hảo". Đến bản thân Guardiola còn phải ca ngợi "Lahm là cầu thủ thông minh nhất mà tôi từng huấn luyện", dù rằng trước đó ông từng là thầy của Xavi Hernandez.
Trong chừng ấy năm đá bóng chuyên nghiệp, Philipp Lahm chưa một lần phải nhận thẻ đỏ dù chơi ở vị trí hậu vệ và gần như không mắc phải một scandal nào. Lần hiếm hoi mà anh gây ra rắc rối cho đội bóng chủ quản là năm 2009, khi Lahm công khai chỉ trích chính sách chuyển nhượng của Bayern Munich. Trước đó một năm, anh đã từ chối những lời mời hấp dẫn từ Barcelona và Manchester United sau khi Chủ tịch Uli Hoeness hứa sẽ gây dựng một đế chế mới tại Bayern. Ông đã giữ lời hứa đó, với Lahm là người dẫn đường và truyền lửa cho các đồng đội. Tại Bayern, anh đã có năm chức vô địch Bundesliga, năm Cup quốc gia, hai Siêu Cup Đức, một Fifa Club World Cup và một Champion League. Trong tổng số 15 danh hiệu mà Lahm giành được cùng Bayern và Đức, có tới tám lần trong số đó là với tư cách đội trưởng.
Chính vì lẽ đó, đã có không ít người hâm mộ của Die Mannschaft bị sốc khi người hùng này tuyên bố từ giã đội tuyển quốc gia ở đỉnh cao. Nhiều người tin rằng Lahm vẫn có thể chơi tốt tại Euro 2016 và giúp Đức đăng quang để quên đi kỷ niệm buồn năm 2008. Nhưng hậu vệ đa năng này đã quyết định mọi thứ từ trước khi World Cup 2014 diễn ra và chỉ công bố điều này sau khi đem về chiếc Cup vàng cho quê hương. Chủ tịch Rummenigge của Bayern đã nói thay lòng người hâm mộ khi cho rằng "sẽ không dễ để thay thế một cầu thủ, đội trưởng và một người đàn ông như Lahm". Song Lahm đã quyết định ra đi để nhường bước cho lớp trẻ và luôn được nhớ tới với tài năng và sự đam mê luôn cháy trong từng bước chạy. Trang sử bóng đá Đức sẽ mãi khắc tên người đội trưởng vô địch World Cup Philipp Lahm, như những huyền thoại Fritz Walter, Franz Beckenbauer và Lothar Matthaus trong quá khứ.
Thịnh Joe
y

Real là đội bóng lớn nhất thế giới trong mắt CĐV

Cuộc bình chọn dành cho độc giả trên trang Goal cho thấy Real Madrid vẫn xếp trên Man Utd và Barcelona.

ro-1219-1405741350.jpg
Đội chủ sân Bernabeu giành chức vô địch châu Âu thứ mười trong mùa giải vừa qua.
Real giành được khoảng 32,9% số phiếu bình chọn CLB lớn nhất thế giới, chiếm một phần ba số người tham gia. Man Utd xếp thứ hai với 18,1%, trong khi Barca xếp thứ ba với 13,3%.
Kết quả này tương phản với phát biểu mà HLV Louis Van Gaal mới đưa ra trong buổi ra mắt tại Man Utd. Theo đó, nhà cầm quân giành huy chương đồng World Cup cho rằng Quỷ đỏ vẫn là CLB lớn nhất thế giới.
Arsenal cũng giành được tình cảm của người xem bóng đá khi xếp thứ tư trong cuộc bình chọn. Đội chủ sân Emirates có 10,1% số phiếu bầu, không thua quá nhiều so với Barca.
Liverpool cũng tăng điểm trong mắt người hâm mộ nhờ thành tích giành ngôi á quân Ngoại hạng Anh 2014. Đội chủ sân Anfield có 5,2% phiếu bầu, xếp ngay trên Chelsea, AC Milan, Bayern và Juventus. Inter xếp cuối cùng trong top 10 với 1,4%.
Kết quả bình chọn CLB lớn nhất:
32,9% Real Madrid
18,1% Manchester United
13,3% Barcelona
10,1% Arsenal
5,2% Liverpool
4,5% Chelsea
4,5% AC Milan
4,3% Juventus
4,3% Bayern Munich
1,4% Inter
0,7% Manchester City
0,2% Paris Saint-Germain
0,7% Các CLB khác
Thúy A
n